Hi các bạn, nhân dịp mất ngủ vì nhiều tâm tư (thật ra do nay uống cà phê nhiều quá). Mình lại suy tư về thời sinh viên của mình, chia sẻ lại với các bạn một ít trải nghiệm của mình để khi ra trường các bạn sẵn sàng để đón nhận môi trường doanh nghiệp.
1. Chuẩn bị nền tảng vững chắc
Điều đầu tiên để xây nhà thì các bạn phải đặt nền móng trước, càng chắc càng tốt. Khi đi làm cũng vậy, doanh nghiệp họ cần những người thực sự được việc. Công ty không trả lương cho bạn để bạn văng việc cho ông X, ông Y nào đó làm rồi bạn đi báo cáo là việc đã xong. Không! Việc của bạn thì bạn phải giải quyết.
Vì thế, ngay từ lúc các bạn còn đang là sinh viên thì hãy tranh thủ trau dồi thêm kiến thức chuyên ngành cho bản thân. Ngoài học trên lớp ra thì hãy tìm hiểu thêm các kiến thức ngoài lớp học. Nó sẽ hữu ích cho các bạn sau này.
2 giờ sáng và đèn phòng mình vẫn sáng vì đang phải hoàn thành sản phẩm báo cáo môn học |
2. Tích lũy kinh nghiệm
Ngoài việc phải có nền tảng vững chắc ra thì các bạn cũng cần có ít kinh nghiệm về công nghệ mà doanh nghiệp đang áp dụng thực tế. Quá trình tích lũy có thể bằng cách tìm hiểu trên mạng, tham khảo các xu hướng doanh nghiệp, lắng nghe từ những anh chị cựu sinh viên đã đi làm, ...
Thời sinh viên, mình đi làm thêm 1 tháng chỉ được ít tiền, mình cũng cố gắng mời các anh cựu sinh viên đi cà phê (Thật ra phần lớn là các anh ấy tự trả phần của mình). Mình phải đạp chiếc xe đạp cà tàng, trên người nhếch nhác dáng vẻ sinh viên, ra quán ngồi để hi vọng nghe được chút ít kinh nghiệm từ các anh ấy. Từ đó mình nhận ra rằng: À, doanh nghiệp cần thế này, cần thế nọ, mình muốn có việc làm thì phải biết cái này, cái kia, ... Thế là về nhà tìm hiểu dần dần là vừa.
cafe sáng - Spherical Image - RICOH THETA
3. Phát triển kỹ năng mềm
Kỹ năng mềm là những kỹ năng rất cần thiết trong cuộc sống hằng ngày, cũng như trong công việc. Trong môi trường Đại học, hãy cố gắng tham gia ít nhất một Câu lạc bộ (CLB) học thuật và một CLB về kỹ năng đội nhóm.
Các kỹ năng các bạn cần lưu ý:
- Kỹ năng thuyết trình, truyền đạt thông tin
- Kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề
- Kỹ năng giao tiếp
- Kỹ năng làm việc nhóm, đối thoại
- Kỹ năng kiềm chế cơn giận (sau này gặp nhiều :))) )
- - ...
Chương trình "Tiếp sức mùa thi" 2016, Vũng Tàu |
4. Xây dựng thương hiệu cá nhân và Tạo dựng các mối quan hệ xã hội
Qua quá trình tiếp xúc với các anh chị cựu sinh viên đã đi làm, hãy xây dựng một hình tượng mà trong mắt các anh chị ấy, bạn thực sự có khả năng. Dù là đó là khả năng sinh viên chưa làm được việc doanh nghiệp nhưng khi được khai phá sẽ dùng được. Khi nhắc đến bạn thì các anh chị sẽ nhớ: "À thằng Non đúng không? Nó học IT ở BVU chứ gì. Tôi đi cà phê với nó suốt, nó code kiết cũng được đấy".
Thì như vậy khi mà chỗ làm các anh ấy mà cần nhân sự thì người đầu tiên nghĩ đến khả năng cao sẽ là mình. Đó là cách xây dựng mối quan hệ xã hội để tăng cơ hội việc làm.
5. Tìm một người chỉ đường
Ngoài việc tiếp thu các kiến thức của thầy cô ở trên lớp ra, các bạn hãy tìm một người đã đi trước mình rồi, kết bạn và học tập các kiến thức và kinh nghiệm từ họ, nghe họ chia sẻ. Bạn sẽ có một cái nhìn rộng hơn dù đang ngồi ở ghế nhà trường.
Những người anh đáng mến đã đi cùng Non thời sinh viên đến tận bây giờ. Trong ảnh còn thiếu anh Thuần và anh Ngôn nữa. |
6. Ngừng than vãn, hãy hành động!
Có bao giờ bạn tự hỏi là: Ớ tại sao trong lớp mình có 6, 7 điểm mà thằng bạn mình 9, 10. Không phải nó thông minh đâu, lúc bạn đang chơi game thả ga thì nó đang ôn bài thấy mẹ đấy. 10h tối bạn lăn đùng ra ngủ thì nó vẫn còn ngồi code đến 1, 2h sáng cho quen các bài ví dụ mà ngày mai sẽ học.
Nên các bạn dừng việc than vãn mọi thứ lại, nó chỉ là sự bào chữa cho bản thân. Hãy thực sự hành động ngay từ bây giờ. Vì khi bạn thực sự nổ lực, bạn sẽ nhận được thành quả.
Chúc các bạn thành công.
Thôi tôi đi ngủ đây 😗
Đăng nhận xét