Đối với nhiều người, Go-live được xem là cột mốc đầy hoa hồng trong dự án vì nó tạo bước đệm tiến đến việc đóng dự án thành công tốt đẹp. Tuy nhiên, với một số người thì nó đầy gai và là một cơn ác mộng kinh hoàng. Nên vì thế, đừng thấy hoa nở mà ngỡ xuân về! 😂

Go-live là gì?

Go-live là từ dùng để nói đến giai đoạn trong việc triển khai một dự án/sản phẩm/giải pháp, mà trong đó sản phẩm bắt đầu đi vào hoạt động thực tế. Từ này có thể hiểu theo nghĩa "vận hành thực tế", "đưa vào hoạt động".

Go live được sử dụng nhiều trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Sau một thời gian chuẩn bị, thực hiện triển khai làm việc và chuẩn bị, khi tất cả mọi công việc đã hoàn thành, thì sẽ go-live (đi vào hoạt động) và mọi người cũng như khách hàng có thể bắt đầu sử dụng.

Deadline - cơn ác mộng kinh hoàng

Để triển khai một sản phẩm vào thực tế doanh nghiệp thì cần thời gian khảo sát, tìm hiểu rồi chuẩn bị chu đáo để triển khai. Tuy nhiên, khách hàng luôn mong muốn dự án hoàn thành càng sớm càng tốt. Nếu người làm dự án còn thiếu kinh nghiệm về ước lượng thời gian thực hiện hoặc phân tích phạm vi, khối lượng công việc thì lên kế hoạch thực hiện sẽ không chuẩn, dẫn đến việc deadline sắp đến nơi mà sản phẩm thì chưa đâu đến đâu. Vì thế các thành viên của dự án phải ba căng bốn cẳng mà đẩy hết tốc lực làm cho kịp deadline để ra mắt đúng lịch hẹn với khách hàng. Mà khi đã làm nhanh thì dễ xảy ra sai sót.

Test không kỹ lưỡng

Trước khi dự án go-live, sẽ có một giai đoạn là UAT (User Acceptance Testing - Kiểm thử chấp nhận của người dùng). Trong giai đoạn này, những người có trách nhiệm sẽ dùng thử sản phẩm với các Test Case để đảm bảo xem sản phẩm có đạt hay không.

Hơn hết, giai đoạn này cần test rất kỹ, các test case phải bao quát được những trường hợp có thể xảy ra để khắc phục lỗi trước khi đi vào thực tế vận hành. Tuy nhiên, nếu người kiểm tra chỉ test ở một số trường hợp nhất định thì dễ dàng bỏ sót những lỗi tiềm ẩn trong sản phẩm. Thực tế người dùng cuối lúc nào cũng thích "vọc vạch" trên hệ thống đôi khi không đi theo quy trình như mình đã test. Như vậy, lúc go-live sẽ tha hồi mà sửa lỗi ngập mặt. 😂

"Anh đang bận việc công ty rồi chú ạ"

Khi dự án go-live thì những người dùng cuối (khách hàng) sẽ sử dụng sản phẩm của bạn. Tuy nhiên, ngoài việc này ra thì họ còn nhận những task mà cấp trên giao để xử lý, báo cáo có thể là đột xuất nhưng độ ưu tiên cao hơn sản phẩm của bạn. Thì lúc đó, người dùng sẽ ưu tiên xử lý task trước và thời gian sử dụng phần mềm của bạn sẽ bị lệch so với tiến độ. Thời gian go-live có thể bị kéo dài ra.

Bỗng dưng muốn khóc

Với các sản phẩm mà công ty phát triển cho khách hàng thì các lập trình viên thường ưu tiên sử dụng những thư viện miễn phí trên mạng. Như thế công ty lại phụ thuộc vào bên phát triển thư viện đó. Nhưng đùng cái một ngày đẹp trời, nhà phát triển thư viện không đủ kinh phí duy trì nên ngưng hỗ trợ phát triển thư viện tiếp nữa. 

Lúc này, sản phẩm bạn phát triển đang chứa một thư viện đã ngưng hỗ trợ nữa, tiềm ẩn nguy cơ bảo mật và hơn hết thư viện này sẽ lỗi thời vì nó không được cập nhật trong tương lai. Và giải pháp của bạn là gì? Sẽ thay thế bằng một thư viện khác tương tự? Bạn biết rồi đấy, phần mềm đang go-live, tài liệu hướng dẫn sử dụng cũng đã viết rồi, và việc thay thế một thư viện trên project lớn không phải là việc dễ dàng.

Mình đã từng gặp trường hợp này, dùng thư viện UI để quản lý data grid. Tuy nhiên, một ngày đẹp trời nhà phát triển thông báo ngưng phát triển nó nữa, và sau đó trang document của thư viện cũng bay màu luôn. 😁

Trên đây là những trải nghiệm của mình về giai đoạn go-live của dự án. Nếu bạn đã từng trải qua thì chia sẻ cho mọi người cùng biết nhé.


Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn